TRÁI ĐẤT SẼ BỊ MẶT TRỜI HỦY DIỆT NHƯ THẾ NÀO?

 

Nếu không va chạm với hành tinh khác hay bị hố đen nuốt chửng, Trái Đất cũng có thể bị Mặt Trời hủy diệt khi phản ứng hạt nhân ở đây dần thay đổi.


trai-dat-se-bi-mat-troi-huy-diet-the-nao

Trái Đất sẽ bị Mặt Trời hủy diệt. Đồ họa: Kevin Gill

Mặt Trời đang phát sáng nhờ đốt cháy 600 triệu tấn hydro mỗi giây, tạo ra heli. Khi lõi Mặt Trời bão hòa heli, nó sẽ co lại làm tốc độ phản ứng hạt nhân tăng lên và trở nên sáng hơn 10% sau mỗi một tỷ năm, có thể gây ra thảm họa hủy diệt với Trái Đất, theoBusiness Insider

"Khi Mặt Trời sáng hơn trong một tỷ năm tới, lượng nhiệt tăng lên sẽ làm nhiều nước trên bề mặt Trái Đất bốc hơi lên khí quyển hơn. Hơi nước lúc này sẽ đóng vai trò như khí nhà kính, làm tăng nhiệt độ Trái Đất và tăng tốc độ bốc hơi", Jillian Scudder, nhà thiên văn học tại Đại học Sussex, Anh, cho biết.

Tuy nhiên, chưa cần tới nhiệt độ tăng, ánh sáng Mặt Trời năng lượng cao cũng đã bắn phá bầu khí quyển và "chia tách các phân tử, làm cho nước mất đi dưới dạng khí oxy và hydro, thậm chí có thể làm khô cả hành tinh", Scudder nhận định.

Sau 3,5 tỷ năm nữa, Mặt Trời sẽ tỏa sáng hơn 40%, làm tan băng, đun sôi các đại dương, loại bỏ tất cả hơi ẩm ra khỏi bầu khí quyển. Trái Đất khi đó sẽ trở nên giống sao Kim, không còn sự sống, cực kỳ khô, nóng và cằn cỗi.

Sau khoảng 4-5 tỷ năm, Mặt Trời sẽ không còn hydro và bắt đầu chuyển sang giai đoạn đốt cháy heli.

"Sau khi đốt cháy hết hydro trong lõi, có thể coi Mặt Trời là một sao đỏ khổng lồ", Scudder nói. "Khoảng một tỷ năm sau đó, nó sẽ nở rộng và đốt cháy heli trong lõi, trong khi lớp vỏ ngoài cùng vẫn tiếp tục diễn ra phản ứng kết hợp hai nguyên tử hydro thành heli".

trai-dat-se-bi-mat-troi-huy-diet-the-nao-1

Một số sao lùn trắng với tinh vân hành tinh bao quanh. Ảnh: NASA/CXC/RIT/J.Kastner

Khi lớp vỏ phân tán ra ngoài, khối lượng của Mặt Trời sẽ giảm, làm giảm theo lực hấp dẫn tác dụng lên tất cả các hành tinh khác. Các hành tinh trong hệ Mặt Trời sẽ bị trượt xa ra hơn khỏi quỹ đạo. Tới thời điểm hoàn toàn trở thành sao đỏ khổng lồ, lớp vỏ ngoài của Mặt Trời sẽ mở rộng tới quỹ đạo hiện tại của sao Hỏa, nuốt trọn sao Thủy và sao Kim. Sao Hỏa khi đó sẽ không bị Mặt Trời nuốt mà trượt ra khỏi vùng ảnh hưởng của khí quyển Mặt Trời mở rộng.

Trái Đất hoặc sẽ giống sao Hỏa hoặc sẽ bị nuốt chửng. Tuy nhiên ngay cả khi không bị nuốt chửng, nhiệt độ cũng trở nên quá cao và hủy diệt sự sống.

"Trong cả hai trường hợp, hành tinh của chúng ta cũng ở quá gần bề mặt của một sao đỏ khổng lồ, đây là tin xấu cho sự sống trên Trái Đất", Scudder nói.

Khác với các ngôi sao có khối lượng lớn, có thể tiếp tục tổng hợp các nguyên tố nặng hơn sau khi heli cạn kiệt, Mặt Trời không đủ áp suất để duy trì phản ứng hạt nhân. Do đó, nó sẽ trở thành một sao lùn trắng sau khi hết heli, theo Scudder.

Cuối cùng, tất cả những gì còn lại của Mặt Trời là một sao lùn trắng có lõi nặng và nóng, được bao quanh bởi một đám tinh vân hành tinh. Ngôi sao lùn trắng này sẽ nguội và mờ dần, tới lúc không còn dấu hiệu của một nơi đã từng là hệ sao với một hành tinh có sự sống nữa.

 

Nguyễn Thành Minh- Vnexpress

Copyright © 2021 Trường Cao Đẳng Sư Phạm Cao Bằng.