Bộ Giáo dục yêu cầu hát Quốc ca trong lễ chào cờ
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển, nhiều
trường đã thay việc hát bằng nghe nhạc hay nghe lời bài Quốc ca. Điều đó
làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ.
> Để hát Quốc ca không còn mang tính hình thức
* Nhạc và lời bài Tiến quân ca |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chào cờ và hát Quốc ca là nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Nhưng ở nhiều nơi, trong lễ chào cờ đã thay hát bằng việc nghe nhạc hay nghe lời bài Quốc ca. Điều đó làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ.
Học sinh làm lễ chào cờ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nề nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường mầm non khuyến khích dạy hát Quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca.
"Đối với các trường phổ thông đến đại học, trong các lễ Chào cờ, tất cả giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đều hát Quốc ca (có hoặc không có nhạc đệm)", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ, các trường cần phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.... tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ Chào cờ Tổ quốc, tập hát Quốc ca để học sinh, sinh viên hiểu và hát Quốc ca, thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ.
"Tiến Quân ca" được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào cuối năm 1944. Năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định lấy bài "Tiến quân ca" làm Quốc ca Việt Nam. |
Tiến Dũng